Đi tìm Alaska - Looking for Alaska - John Green

55,000

Mã sản phẩm: #DTALFAJG

Số lượng: 1

 Đi tìm Alaska - Looking for Alaska - John Green - Bảo Anh dịch - in lần thứ 3 - NXB Trẻ - 55k - tác phẩm đầu tay sôi nổi từ nhà văn đã đoạt giải của khi lỗi thuộc về những vì sao

SL:
Nhà sách Củ Chi
Xem shop

 Đi tìm Alaska - Looking for Alaska - John Green - Bảo Anh dịch - in lần thứ 3 - NXB Trẻ - 55k - tác phẩm đầu tay sôi nổi từ nhà văn đã đoạt giải của khi lỗi thuộc về những vì sao

 

Review Sách “Looking For Alaska”: Những Câu Hỏi Mở

Alaska. Alyesa. Nơi biển vỗ. Nơi xa xôi, lạnh giá.  Cô gái bí ẩn, không thể với tới được. Một hành trình hai năm đi tìm Alaska, Miles vẫn không thể tìm thấy cô. Alaska chỉ lướt qua tuổi thiếu niên của Miles, nhưng những gì cô để lại là một Miles Halter hoàn toàn khác.

Looking for Alaska (Đi tìm Alaska) là tác phẩm đầu tay của John Green – nhà văn viết tiểu thuyết thiếu niên nổi tiếng, tác giả của The fault in our stars (Lỗi thuộc về những vì sao), Paper Town (Thị trấn giấy)…. Looking for Alaska là tập hợp của tất cả những gì bạn mong đợi ở một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên: những lần đầu, những trò nghịch ngợm, những nỗi buồn và những khám phá.

Mở đầu cuốn sách, người đọc được giới thiệu với Miles Halter, nhân vật chính và cũng là người kể chuyện. Miles là một học sinh cấp ba ở Florida, ngượng ngùng và không có bạn bè. Cuộc sống của Miles xoay quanh thú vui duy nhất là sưu tầm lời chăng chối của những người nổi tiếng. Miles chuẩn bị chuyển đến trường nội trú Culver Creek, nơi cậu hi vọng tìm được “Điều có thể vĩ đại” (từ lời chăng chối của Francois Rabelais “Tôi đi tìm điều có thể vĩ đại.”) Ở Culver Creek, Miles gặp bạn cùng phòng Chip (biệt danh Đại tá), người đặt cho Miles biệt danh là Pudge. Miles trở thành bạn với Đại tá và những người khác trong hội, gồm có Takumi, Lara và Alaska Young. Miles lập tức bị cuốn hút bởi Alaska, cô gái quyến rũ, thông minh, bí ẩn, thất thường, hiện thân của “Điều có thể vĩ đại” mà Miles tìm kiếm. Với nhóm bạn này, Miles được tham dự vào cuộc sống bình thường của những thiếu niên trong trường nội trú với những trò lừa, những lần hút thuốc và uống rượu trộm, người bạn gái đầu tiên, nụ hôn đầu tiên… cho đến khi một việc vô cùng bất thường xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của nhóm bạn và cuối cùng đem đến cho Miles những nhận thức mới lớn lao.

Ở cuối cuốn sách là năm câu hỏi liên quan đến những vấn đề trong truyện mà John Green tự đặt là “Một số câu hỏi chủ ý mở và mơ hồ”. Tôi, một người đọc ở tuổi thiếu niên, sẽ cố gắng trả lời những câu hỏi này như một cách thú vị và mới mẻ hơn để tiếp cận Looking for Alaska.

 

 

1.    Tha thứ có dành cho tất cả mọi người không? Ý tôi là, liệu tất cả mọi người có thể được tha thứ bất kể trường hợp không? Ví dụ như, liệu người chết có thể tha thứ cho người sống không và ngược lại?

Tha thứ là câu trả lời cuối cùng của Miles dành cho câu hỏi của Alaska, và sau đó là của thầy dạy tôn giáo (biệt danh Ông Già): “Làm sao ta có thể thoát khỏi mê cung khổ đau này?” (câu nói của Simon Bolivar – nhà cách mạng Venezuela) Miles tin rằng Alaska được tha thứ cho tất cả những lần cô nghĩ cô đã làm hỏng mọi thứ, khi cô quên mẹ cô hay tố cáo bạn cùng phòng. Miles cũng tin rằng mình được Alaska tha thứ cho sự ngốc nghếch của mình và Miles cũng tha thứ cho Alaska. Đó là con đường của Miles trong mê cung khổ đau. Tôi không dám chắc mình có thể tin rằng tất cả mọi người đều nhận được sự tha thứ. Có những điều thực sự kinh khủng đã được gây ra bởi con người và yêu cầu nạn nhân của những thảm họa đó tha thứ cho hung thủ là một điều quá đỗi khó khăn. Nhưng tôi nghĩ rằng tha thứ là cần thiết để đi qua mê cung cuộc đời. Tôi nghĩ tôi không thể diễn tả ý tưởng này tốt hơn triết gia Jonathan Lockwood Huie “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ, mà vì bạn xứng đáng được thanh thản.” Cũng như vậy, chúng ta có thể  tha thứ cho người chết và tin rằng mình được tha thứ bởi họ vì ta cần phải bước tiếp với một điều gì đó tốt hơn là oán hận hay dằn vặt.


 

 

2. Tôi sẽ nói rằng trong cả truyện hư cấu và trong đời thực, hút thuốc ở thiếu niên là một hành động mang tính biểu tượng. Bạn nghĩ nó được dự định để biểu tượng điều gì và cuối cùng thực ra biểu tượng của điều gì? Đặt câu hỏi theo một cách khác: Tại sao lại có người trả tiền để đổi lấy khả năng bị ung thư phổi hoặc (và) giãn phế nang?

Tôi rất vui vì John Green đã đặt ra câu hỏi này vì một trong những điều khiến tôi băn khoăn là các nhân vật trong Looking for Alaska hút thuốc quá nhiều. Miles và Đại tá hút thuốc trong nhà tắm để hơi nước đưa khói thuốc bay đi, Alaska nhét một cái áo vào khe cửa để hút thuốc trong phòng, nhóm bạn có một chỗ bí mật để hút thuốc gọi là Hang hút thuốc… Có thể trả lời câu hỏi này theo cách của Alaska: “Các cậu hút thuốc để tận hưởng. Tôi hút thuốc để chết.” Tôi không biết Alaska thực sự muốn chết hay đây chỉ là câu đùa, nhưng tôi nghĩ rằng không phải tất cả những thiếu niên khác đều hút thuốc chỉ vì họ thích. Việc hút thuốc được gắn với hình ảnh phóng khoáng, lãng tử, già dặn và trầm uất trong phim ảnh. Đó là một hình ảnh mà thiếu niên yêu thích và muốn có được. Hút thuốc bị cấm lại càng khiến nó trở nên hấp dẫn hơn. Khi phần lớn bạn bè đều hút thuốc thì đó trở thành một việc cần làm để hòa đồng. Miles không thích điếu thuốc đầu tiên mình hút nhưng vẫn tiếp tục hút khi chơi với Đại tá và Alaska. Cuối cùng thì việc hút thuốc trở thành một phần của tình bạn ở Culver Creek, cũng như trò chơi điện tử và những phi vụ lừa đảo. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu như Miles và các bạn có thể gắn kết bằng những việc không làm cho bản thân họ và những người khác bị ung thư.


 

 

3.  Bạn có thích Alaska không? Bạn có nghĩ là việc thích các nhân vật là quan trọng không?

Alaska là nhân vật trung tâm của Looking for Alaska, và cũng là nhân vật trung tâm của “Điều có thể vĩ đại” của Miles ở Culver Creek. Cuốn tiểu thuyết được đặt tên là Looking for Alaska (Đi tìm Alaska), vì đó là hành trình của Miles để hiểu được Alaska, và cuối cùng, vẫn còn những điều về Alaska mãi mãi là bí ẩn. Alaska được xây dựng như một nhân vật mà Miles không thể với tới, không thể nắm bắt được: quyến rũ, thông minh,bí ẩn, thất thường. Alaska là một nhân vật thú vị để quan sát. Sự khêu gợi, u buồn, tình yêu thể xác của Alaska đặc biệt gợi cho tôi nhớ đến những ca khúc ám khói và u uất của Lana Del Rey. Alaska đẹp và hay, nhưng tôi không muốn có một Alaska trong đời. Với tôi, Alaska là kiểu người thích tự cho mình là tâm điểm của mọi sự. Giống như Miles nói, Alaska đã “rơi vào sự bí ẩn của chính bản thân cô”. Chỉ vì cô ấy có những nỗi buồn và sai lầm không có nghĩa là những người khác không có vấn đề của họ. Nhưng Alaska chỉ hành động dựa trên cảm xúc của mình, và cuối cùng gây ra đau khổ và dằn vặt cho những người yêu thương cô. Mối quan hệ với Alaska, mặc dù đưa Miles đến những khám phá, trải nghiệm mới, nhưng không phải là một mối quan hệ lành mạnh.

Đến bây giờ thì việc không thích một nhân vật như Alaska với tôi là bình thường. Trước đây, tôi từng nghĩ rằng mình phải thích và đồng tình với các nhân vật được xây dựng là nhân vật chính (tôi từng cảm thấy rất bối rối vì mình không sao thích nổi Heathcliff và Catherine trong Đồi gió hú) Nhưng bây giờ thì tôi nghĩ rằng việc thích các nhân vật chính không còn quan trọng nữa. Nhân vật, xét cho cùng, cũng được xây dựng từ những nguyên mẫu ngoài đời. Một nhà văn tạo ra nhân vật càng thực đến đâu thì càng thành công. Trong thực tế, chúng ta không thể thích tất cả mọi người ta gặp trên đời. Vì thế, hãy cứ coi nhân vật như một người ta mới quen, một người ta cố gắng hiểu nhưng không bắt buộc phải yêu mến.

 

 

4. Đến cuối cuốn tiểu thuyết, Pudge (Miles) có rất nhiều điều để nói về sự bất tử và ý nghĩa của cuộc sống (nếu cuộc sống có ý nghĩa). Suy nghĩ của bạn về cái chết định hình cách bạn hiểu về cuộc sống đến mức nào?

Trong phần cuối của Looking for Alaska, Miles suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi mà theo cậu là lớn nhất trong tôn giáo: “Con người đi đâu sau khi chết?” Lúc đầu, Miles không tin vào những cách trả lời của các tôn giáo về thiên đường và địa ngục hay thuyết luân hồi. Với Miles, sau khi chết con người chỉ còn lại sự phân hủy của vật chất hữu cơ. Nhưng con người không chỉ là vật chất, và Miles nhận ra một thứ gì đó lớn lao và bí ẩn hơn, kết nối thể xác, tình cảm, kinh nghiệm thành một con người (ta có thể gọi đó là linh hồn). Năng lượng không thể sinh ra và mất đi, vì vậy năng lượng này của con người cũng không thể tự nhiên mất đi khi họ chết. Năng lượng đó vẫn còn tồn tại và đi đến một nơi vô định nào đó, một nơi tốt đẹp, mà Miles kết luận bằng câu nói cuối đời của Edison: “Ở ngoài đó rất đẹp.”

Theo tôi, con người luôn băn khoăn về câu hỏi chuyện gì xảy ra sau khi chết vì ta cần phải tin rằng chúng ta sẽ đi đâu đó khi cuộc đời chấm dứt. Nếu như tất cả những gì xảy ra sau khi sự sống ngừng chỉ là một chuỗi phân hủy và tái chế của vật chất, thì đời sống của chúng ta thật là vô nghĩa. Dù bạn có làm gì trong đời thì cuối cùng bạn cũng trở thành thức ăn cho giun bọ, chẳng có gì lớn lao hơn cả. Theo một cách hiểu, như thế thì chúng ta thật tự do, có thể dùng đời mình để làm bất cứ thứ gì mình thích. Nhưng quá nhiều sự tự do có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân ta và những người khác.  Con người cần phải tin vào một cuộc sống sau khi chết để có mục đích sống: dùng gần một thế kỉ đời mình để chuẩn bị cho một hành trình tiếp theo.

 


5. Bạn sẽ trả lời câu hỏi cuối kì Ông Già đặt cho các học sinh như thế nào? Phiên bản bài luận của bạn sẽ như thế nào?

Câu hỏi cuối kì của Ông Già (thầy dạy tôn giáo) cũng chính là câu hỏi ám ảnh của Alaska và Simon Bolivar (nhà cách mạng Venezuela):

Làm sao ta có thể thoát khỏi mê cung khổ đau này?” Câu trả lời của Miles là tha thứ, của Alaska là “Thẳng và nhanh”, còn của Đại tá là “Ước gì tôi biết.”

Câu trả lời của tôi sẽ là đừng cố thoát khỏi mê cung. Càng kháng cự, chạy trốn thì bạn càng đau khổ. Giống như khi rơi vào cát lún, nếu bạn càng giãy giụa nhiều, bạn càng nhanh chìm. Tôi nghĩ rằng, chúng ta được đưa vào mê cung này và sau đó theo quy luật tự nhiên cũng sẽ được đưa ra khỏi mê cung. Mê cung, rút cuộc, cũng không phải chỉ toàn đau khổ. Không ai có thể khẳng định rằng cuộc đời mình không có chút niềm vui, chút ánh sáng nào. Chúng ta tận hưởng niềm vui đó, và đối đầu với những ngã rẽ hay chướng ngại vật khi chúng đến. Có thể những gì chúng ta cảm nhận được trong mê cung này, một khi đã ra khỏi nó, ta sẽ không bao giờ có thể có lại được nữa, hoặc thậm chí cũng không thể tưởng tượng rằng đã từng có những cảm xúc như vậy. Nếu như ta có thể hút trọn mọi trải nghiệm của mê cung, có thể chấp nhận mê cung cả trong sung sướng lẫn khổ đau, thì mê cung cũng không phải là quá tệ.

Tôi thích cách mà John Green lồng ghép những đoạn tinh nghịch, nổi loạn với những suy nghĩ, nhận xét sâu sắc trong Looking for Alaska. Ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết cũng vậy, là sự đan xen giữa những lời thoại hài hước và những đoạn miêu tả, chiêm nghiệm giàu chất thơ. Đó cũng là cảm giác chung của tuổi thiếu niên, với nhiều hành động, cảm xúc bồng bột, trẻ con nhưng cũng là thời điểm bắt đầu những suy nghĩ, băn khoăn về những điều lớn lao và trừu tượng hơn.

 Looking for Alaska là một cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên, bạn nên đọc nó khi còn là một thiếu niên để cảm nhận trọn vẹn những ý tưởng của nó. Khi bạn đã già hơn, những nhận xét trong Looking for Alaska sẽ không còn khiến bạn ngạc nhiên và gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn như trước nữa.

Looking for Alaska, với tôi, là một hình ảnh sống động và kịch tính về thời niên thiếu, khi chúng ta bắt đầu hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn. Còn bạn, bạn nghĩ gì về những câu hỏi này?

 

Review chi tiết bởi Hân Bùi

Mã sản phẩm #DTALFAJG
Nhà xuất bản NXB Trẻ
Ngày xuất bản
ISBN-13
Kích thước
Loại bìa
Số trang
Công ty phát hành
SKU
Bình luận

Sản phẩm liên quan

Scroll