Vùng đất quỷ tha ma bắt - Kevin Chen - Nguyễn Vinh Chi dịch

168,000

Mã sản phẩm: #VDQTMBKC

Số lượng: 1

 Vùng đất quỷ tha ma bắt - Kevin Chen - Nguyễn Vinh Chi dịch - Nhã Nam - NXB Hà Nội 

SL:
Nhà sách Củ Chi
Xem shop

  Vùng đất quỷ tha ma bắt - Kevin Chen - Nguyễn Vinh Chi dịch - Nhã Nam - NXB Hà Nội 

 

 

Vùng đất quỷ tha ma bắt

Cảm ơn tác giả Kevin Chen vì một tác phẩm hay và dịch giả Nguyễn Vinh Chi vì một bản dịch chất lượng.

 

Vùng đất quỷ tha ma bắt là một tác phẩm đau thương, ai oán, dường như chả có con đường nào sáng sủa đằng sau câu chuyện này. Nó thiếu thốn niềm vui đến mức cả người đọc lẫn các nhân vật trong truyện phải tự chuyển hóa nỗi đau ấy thành niềm vui của chính bản thân. Thật đáng thương! 
img_0
 
Đã lâu lắm rồi tôi mới tìm được một tác phẩm đau buồn, tăm tối đến vậy kể từ khi cái hố mà  “A little life” của Hanya Yanagihara và “Shuggie Bain” của Douglas Stuart để lại trong tôi quá lớn. Văn phong cũng như cách dùng từ của Kevin Chen rất châu Á, rất quen thuộc với những đọc giả ở Đông Á bởi vốn dĩ câu chuyện này vốn bắt đầu từ Chương Hóa, Đài Loan. Ngòi bút của Kevin Chen cứ thế dắt người đọc tới một câu chuyện vụn vỡ, nhiều mảnh ghép giấu dưới đáy sâu, không muốn được tìm thấy của gia đình họ Trần, tại Vùng đất quỷ tha ma bắt. 
Án mạng, tấn kịch, gia đình và lịch sử Đài Loan, tất cả trong một.
The New York Times
Trước khi bàn sâu hơn về câu chuyện của nhà họ Trần, ta cần phải biết nhà họ Trần có tổng cộng chín người. Bố là A Sơn, mẹ là A Thiền, các anh chị em còn lại lần lượt xếp theo thứ tự là Thục Mỹ, Thục Lệ, Thục Thanh, Tố Khiết, Xảo Mỹ, Thiên Nhất, Thiên Hoành. Câu chuyện của gia đình này như một tấm kính vỡ vậy, mỗi chỗ một mảnh khác nhau, cứ thế rải rác khắp ruộng đồng, tới bãi tha ma, vườn khế, Thành Cước Ma, lẩn trốn khắp ngõ ngách ở Vĩnh Tĩnh.  
“Vùng đất nhỏ, chính là vùng đất quỷ tha ma bắt của gã.Gọi là “quỷ tha ma bắt”,ý muốn nói hoang vắng, so với đại đô thị quốc tế văn minh, quê hương gã xa xôi hẻo lánh, chưa ai nghe tên. Thời kì kinh tế cả đảo vươn lên mạnh mẽ, vùng đất nhỏ không bắt kịp tiến bộ kiến thiết, hàng loại nhân khẩu nông thôn chuyển ra bên ngoài, lớp trẻ rời quê rồi không trở về nữa, quên luôn địa danh này, bỏ lại thế hệ già yếu không rời đi được. Tên đất vốn là lời cầu chúc, giờ lại thành lời nguyền, tên sao đất vậy, tĩnh, quá tĩnh lặng.”
Vĩnh Tĩnh như thế đấy, tĩnh lặng, hẻo lánh, chẳng ai biết đến, hoàn hảo cho những câu chuyện của nhà họ Trần ẩn sâu dưới lớp đất, chẳng chờ ai đào lên. Đến giờ, những câu chuyện xảy ra ở Vĩnh Tĩnh vẫn in rõ trong đầu tôi và tôi nghĩ đối với các đọc giả khác cũng vậy, tôi ngửi thấy mùi nhục viên bán ở đầu đường, ngửi thấy mùi nước tương Phương Cống Cống đặc trưng mà người dân khắp vùng đều sử dụng, tôi thấy gian nhà bí bách ở tam hợp viện mà nhà Thiên Hoành sống. Tác giả Kevin Chen dành nhiều thời gian để tả về các tập tục rằm tháng Bảy hay các câu chuyện huyền bí, tập tục mà người phương Đông vốn có rất nhiều, tác giả mượn những câu chuyện ma quỷ để thay cho con người, bóc tách từng lớp câu chuyện ta mới thấy những điều bí ẩn và đáng sợ, để lại trong lòng người đọc những cảm xúc vỡ òa. Có lẽ vì chung một nền văn hóa nhiều mê tín như thế mà tôi thấy câu chuyện ở Vùng đất quỷ tha ma bắt này rất thực tế, gần gũi với bản thân. Như thể Kevin Chen đã chứng kiến câu chuyện này vậy!

Vĩnh Tĩnh lại mưa rồi!

Tôi thích nhất là mưa, mưa mang đến nhiều thứ và cũng mang đi nhiều. Mưa cũng đôi lúc mang đến niềm vui, đôi lúc lại cho ta cảm giác ảm đạm, u sầu. Đặc biệt là ở Vĩnh Tĩnh mưa len lỏi vào từng con đường, len theo đường mái nhà, nhỏ giọt xuống tam hợp viện nhà họ Trần, như những chiếc máy quay ẩn vậy, lặng thầm theo dõi câu chuyện của nhà họ. Mưa to lắm, át hết cả âm thanh bên ngoài, được đà cho tiếng chửi rủa, tiếng đòn roi to hơn, như những mũi khoan lớn đâm vào thân thể người nhà họ Trần. Để rồi khi mưa hết đi, mọi thứ lại quay về nguyên dạng vốn có, chỉ có con người là tổn thương. Mỗi hạt mưa là những lời chửi rủa, miệt thị, những đòn roi của gia đình ruột thịt, cứ thế thấm qua mái nhà, rơi thẳng vào người. Thấm dần, thấm dần, những hạt mưa dính trên thân thể lại thành cả một bể nước đầy, nhấn chìm họ vào tuyệt vọng, vùng vẫy thoát ra cũng không được. 
“Hồi nhỏ sống ở tam hợp viện, mẹ là nàng dâu trưởng, phụ trách nấu ba bữa cho bà nội, thường bị bà chê dở. Có lần bà hắt canh nóng lên người mẹ, bắt mẹ đem cả bản thức ăn đi cho lợn ăn, xem lợn có chịu ăn không. Mẹ bưng canh về, nghe mấy đứa con gái kêu đói, bèn tạt nguyên nồi canh về phía chúng”
Những cá nhân nhà họ Trần đại diện cho một xã hội Đông Á cổ điển, vừa truyền thống lại bảo thủ, những tổn thương tâm lý từ người này lại truyền sang người khác dẫn tới một gia đình méo mó từ bên trong. Năm cô con gái chẳng được chào đón từ khi sinh ra, chỉ vì không có thằng con nối dõi tông đường mà A Thiền phải chịu sự đay nghiến từ mẹ chồng, rồi sự đay nghiến ấy lại chuyển ngược từ cô sang cho năm đứa con gái. Hai thằng con trai cuối là hi vọng lớn nhất của cả nhà họ Trần, ấy vậy mà thằng thì đi tù vì tham ô, thằng lại có tình cảm đồng giới. 
Với một nền tảng gia đình vỡ nát như vậy, không bất ngờ khi những đứa con khi lớn lên đều có trong mình những vấn đề tâm lý riêng. Những vết sẹo từ khi còn bé đã hình thành trong con người họ những mặc cảm, xuôi theo dòng đời, đôi khi cũng chẳng muốn đấu tranh, có khi làm ma còn tốt hơn. Cá nhân người viết thấy rằng, nhà họ Trần như một ổ dịch bệnh vậy, ai cũng mang bệnh, từ người già cho tới trẻ. Rồi khi những đứa trẻ ấy lớn lên, vòng lặp ấy lại xuất hiện trong gia đình riêng của chúng.
Đây chính là vùng đất mà Trần Thiên Hoành, nhân vật chính của chúng ta muốn chạy trốn, nhưng cũng như các anh chị em khác của cậu, căn bệnh họ Trần đã ăn sâu vào tâm trí cậu. Quỷ môn quan lại mở rồi, người chết lại về rồi, những câu chuyện của nhà họ Trần cũng bắt đầu mở ra rồi.

Là gió

“Lúc nào cũng là gió. Sao đều là gió. Gió làm hỏng việc, gió chẳng lành. tung tin đồn nhảm, hủy hoại tất cả.”
 
Câu chuyện của nhà họ Trần bi kịch đến thế, một phần cũng do gió đưa đẩy những câu chuyện ấy truyền từ miệng người này qua người khác, truyền từ miệng bà bán thịt ngoài chợ đến miệng ông từ ở Thành Cước Ma, mỗi chỗ lại thêm chút gia vị, xào nấu thành món ăn hấp dẫn mà miệng đời tranh nhau xâu xé. Thưởng thức xong họ lại chùi mép, súc miệng hoàn toàn sạch bong đồ ăn, coi như chưa từng nếm qua. Mà món ăn được nói đến ở đây là những con người bị đồn thổi, những câu chuyện nửa hư nửa thực ở Vĩnh Tĩnh, đó là Cây Cau, là Thiên Hoành, là hai ông chủ Minh Nhật thư cục - những con người chỉ muốn sống thật với tình cảm của mình nhưng lại bị xã hội cổ hủ ở Vĩnh Tĩnh tiêu diệt.
“Tất cả những người tham gia đồn đãi năm xưa, nhiều năm sau đều ngậm miệng tập thể. Điều này không cần giao ước miệng, đây là hệ thống đồng phạm của vùng đất nhỏ, đồn đồn đồn, càng đồn càng khoa trương, đồn đến nỗi người ta bị bắt, thậm chí chết rồi, người từng đồn thảy đều khâu miệng lại. Toàn bộ không nói, toàn thể miễn chịu trách nhiệm.”

Ma còn sống

“Ma quỷ tồn tại nhờ hồi ức, bản thân cũng tràn đầy hồi ức, khứu giác, xúc giác, cảm giác đau đớn, đủ loại hồi ức”
 
Kevin Chen đã vẽ lên một bức họa Vĩnh Tĩnh mà tại nơi đây con người là những hồn ma vất vưởng, đi tìm danh tính của mình.
A Sơn, là trụ cột của gia đình, cha của bảy đứa con và có một người vợ, ông “chỉ là đứa con nhà nông tốt nghiệp cấp hai ở một xã miền Trung đảo, xuống ruộng hái rau, chạy xe chở hàng”. Ông là người không nói, cuộc sống của ông cũng như vậy, khá mờ nhạt. Nhưng hóa ra ông với Cây Cau – Con trai út nhà họ Vương lại có tình cảm với nhau.
Vợ của A Sơn là A Thiền, hay cái tên thời niên thiếu là Thiền Dầu Nành. Qua ngòi bút của Kevin Chen ta thấy bà là một người khắc khổ, có phần độc ác với các con của mình và rất mê cúng bái. Nhưng khi bóc tách từng lớp sự thật ta mới biết những sang chấn tâm lý của bà trong quá khứ đã dẫn đến con người bà của hiện tại. Bà cũng không yêu gì chồng mình, người bà cưới ngay sau hai lần gặp mặt. Bà yêu Mắt Kính, chính là người bắt rắn hàng xóm kế bên.
Thục Mỹ, Thục Lệ, Thục Thanh là ba cô con gái đầu của nhà họ Trần, cũng giống như cha mẹ của họ, họ đều mang trong mình những tổn thương tâm lý tương tự. Bị chồng lừa gạt, bạo hành, ngoại tình là những điều mà họ phải trải qua. 
Tố Khiết, Xảo Mỹ là hai đứa con gái cuối cùng của nhà họ Trần, cũng là hai đứa bạc phận nhất. Xảo Mỹ tự tử, Tố Khiết phát điên tất cả cũng chỉ vì sự ghen tị giữa hai chị em.
Thiên Nhất, Thiên Hoành hai đứa con trai là niềm tự hào của A Thiền, vậy mà cả hai đều vướng vào vòng lao lý, cuối cùng cũng chẳng ra đâu vào đâu.
Mặt tối của xã hội như gói gọn trong căn nhà chật hẹp của 9 con người với đủ thể loại vấn đề: bạo hành gia đình, ngoại tình, giết người, kì thị đồng tính, mê tín dị đoan, chính trị...Họ là ma, ma còn thở. Thân xác còn sống nhưng tâm hồn của họ đã chết, chết từ rất lâu rồi. Đoạn tuyệt với quá khứ, giờ đây họ chỉ là những con ma vất vưởng mà thôi. 
Những con người này nhận thức được rõ vấn đề của mình và họ chấp nhận nó.
“Cha mẹ chưa từng ôm con. Cha mẹ đánh con”
 

Thành Cước Ma nay cúng lễ

“Tinh mơ hôm đó, trời vừa sáng, A Thiền và đoàn tụng kinh cầm micro lên, bắt đầu tụng kinh ở Thành Cước Ma. Tất cả ve đực trên cái cây to sau miếu Thành Cước Ma bị đoàn tụng kinh đánh thức, ôm một bầu bực bội ngái ngủ, dốc toàn lực làm rung màng bụng, phát ra tiếng kêu ra rả đinh tai. Lò mổ hôm đó có hai mươi con lợn phải làm thịt, đồ tể lấy làm lạ, sao có đoàn tụng kinh dậy sớm thế, bài niệm chú xen lẫn cái ngáp ngái ngủ. Nhưng anh ta không rảnh quan tâm ngôi miếu nhỏ bên cạnh đang làm gì, anh ta chỉ muốn nhanh chóng giết lợn, lợn sống bị treo lên chọc dao nhọn, rống eng éc thảm thiết, nền đất màu xám lập tức bị máu nhuốm đỏ.”
Hình ảnh Thành Cước Ma đã gắn liền với Vĩnh Tĩnh, gắn liền với người nhà họ Trần, kèm theo đó là những hình ảnh ma quỷ, mê tín mà tác giả sử dụng như những vệt sơn màu tối vẽ lên Vĩnh Tĩnh, âm u vô cùng. Nhưng những hình ảnh này cũng thể hiện cho khát vọng của họ, những con người đã bị cuộc sống đánh bại, không phải họ đã từ bỏ hoàn toàn hi vọng của mình. Họ chuyển hóa hy vọng ấy qua những lần cầu khấn, đi lễ ở Thành Cước Ma. Cầu mẹ chồng chết, cầu chồng chết, cầu đẻ con trai,... mọi vấn đề mà họ không thể giải quyết được đều được chuyển hóa thành lời cầu nguyện. 
img_1
 
Vùng đất quỷ tha ma bắt là một tác phẩm sử dụng góc nhìn đa chiều, mọi diễn biến đều thông qua lời kể của nhân vật, không theo một trình tự không gian hay thời gian cụ thể nào cả. Câu chuyện là một bức tranh ghép và lời kể của các nhân vật chính là chỉ dẫn để chúng ta hoàn thành bức tranh. Mỗi chương lại có một chút thông tin được tìm thấy, kích thích người đọc muốn đọc sang chương tiếp theo để biết thông tin ấy sẽ dẫn tới mảng kí ức nào. 
Lời thoại của nhân vật rất đặc biệt, không có đích đến cụ thể nào cả, tất cả chỉ vu vơ như những câu nói bình thường hàng ngày của chúng ta, điều này cũng vô hình chung làm câu chuyện xảy ra ở Vĩnh Tĩnh gần gũi hơn với đọc giả. Đan cài vào đó là những tình tiết, hành động làm nổi bật tính cách của nhân vật. Những chi tiết này tổng hòa lên một câu chuyện dễ đọc mà lại tinh tế, dẫn dắt đọc giả một cách tự nhiên mặc dù câu chuyện có rất nhiều plot twist nhưng đến khi tổng kết lại, câu chuyện của cá nhân từng người đều móc nối với nhau theo một dòng thời gian hoàn chỉnh rất hợp lý, rất dễ hiểu.
Phải nói rằng đây là một tác phẩm rất hay, mỗi nhân vật là một câu chuyện mà có lẽ nếu không đọc thì chúng ta cũng không biết được rằng cuộc sống cũng có rất nhiều câu chuyện như thế. Phải nói rằng tác giả cũng có sử dụng một số chi tiết hư cấu để làm tăng phần kịch tính cho câu chuyện nhưng những câu chuyện này như những lưỡi dao vậy, không chỉ dằn vặt nhân vật mà ngôn từ của Kevin Chen còn làm đau cả đọc giả. Nỗi đau ấy ngấm vào người nhà họ Trần, cũng ngấm vào người tôi thông qua những con chữ. 
Ngôn từ của Kevin Chen như hàng tấn bom dội xuống vậy, thủng lỗ chỗ trên người tôi!
Cảm nghĩ của người viết
Mã sản phẩm #VDQTMBKC
Nhà xuất bản NXB Hà Nội
Ngày xuất bản
ISBN-13
Kích thước
Loại bìa
Số trang
Công ty phát hành Nhã Nam
SKU
Bình luận

Sản phẩm liên quan

Scroll